TRANG SINH HOẠT


31 năm gia tài viễn xứ
Tác giả: Quỳnh Như
Thể loại: Phóng sự sinh hoạt  

     Nhìn bề ngoài, Adelaide, thành phố vỏn vẹn có 1,2 triệu dân này có phần trầm lặng so với nhịp sống hối hả của Sydney. Người dân ở đây ăn mặc khá chỉnh chu khi ra đường với những khuôn mặt đầy vẻ thư thái, vô lo. Nếu bạn tình cờ bước qua đường và chạm mặt một người lạ, đừng ngạc nhiên khi anh ta nháy mắt chào bạn với nụ cười tươi rói như thể quen biết nhau đã nhiều năm. Bỗng nhiên bạn chợt giật mình khi nghe tiếng gọi với "Are you Vietnamese?".
Người lạ mặt đồng hương mà tôi gặp trên đường hôm ấy là Harry Nguyễn. Sinh ra ở Úc, Harry là con trai út của một cặp vợ chồng Việt Nam di cư sang Úc từ năm 1975. Năm 1992, đại gia đình gồm bà ngoại và 2 người chị của anh sang Adelaide theo diện đoàn tụ. Từ 2 năm nay, Harry đã "move in" (sống chung) với cô bạn gái người Úc gốc Đức ở đây. Harry dự tính sang năm, ở tuổi 26, anh sẽ kết hôn. Điều đó đồng nghĩa với một cuộc hôn nhân "hợp chủng" đầu tiên sắp sửa trổ nhánh trong cây phả hệ ba đời của gia đình anh.
        Gia đình Harry nằm trong con số gần 200.000 người Việt Nam sinh sống ở Úc hiện nay. Số liệu thống kê vào năm 2001, tính riêng tại Adelaide - thủ phủ của tiểu bang South Australia, cộng đồng Việt Nam xấp xỉ 12.000 người, chiếm tỷ lệ 1,2% dân số. Số người Việt tuy xếp sau người Trung Quốc với khoảng 18.500 người, nhưng vẫn đông hơn hẳn so với các thành phần dân nhập cư gốc Á khác đến từ Ấn Độ, Triều Tiên, Thái Lan, Philippines, Malaysia... Với một phần tư dân số được sinh ra trên đất khách, người Việt không phải đối mặt với nguy cơ bị tình trạng "già hóa", vốn phổ biến trong nhiều năm ở mảnh đất Nam Úc này.
        Trong thời gian gần đây, với sự gia tăng số lượng của cộng đồng Việt Nam và đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các du học sinh từ quê nhà sang học tập ở Adelaide, không gian văn hóa Việt không chỉ co cụm trong một lãnh địa riêng biệt mà đang dần "bành trướng" sang khu vực khác của thành phố vốn có tiếng hiếu khách và ít xảy ra các biểu hiện của tâm lý kỳ thị chủng tộc nhất trên đất Úc. Minh chứng là trên con phố ẩm thực đường Rundle thuộc khu trung tâm của Adelaide, các nhà hàng Việt đua nhau mọc lên và làm ăn khá phát đạt. Gần đây, mốt "nhà nhà ăn chả giò" tiếp nối mốt "người người ăn lẩu Thái" (trước kia) đang trở nên rất phổ biến, ngay cả trong các bữa ăn của người bản xứ. Michael Neal, một doanh nhân Úc sau nhiều năm làm việc ở London trở về Adelaide sinh sống đã phải thốt lên đầy ngạc nhiên: "Người Việt "chiếm đóng" thành phố này nhanh quá. Cách đây 10 năm, chúng tôi chỉ biết đến có phố Tàu. Nay, có thêm khu Arndale, đi đâu cũng thấy người Việt Nam, nhà hàng Việt Nam".
        Ví dụ điển hình cho trào lưu "đậm đặc hóa" ảnh hưởng của văn hóa Việt ở Adelaide là dự án trị giá gần nửa triệu đô la Mỹ nhằm xây dựng khu bảo tồn văn hóa Vietnamese Reserve tại phía đông thành phố. Khánh thành vào ngày 10/2/2005 trong dịp Tết Ất Dậu, Vietnamese Reserve - thường được gọi với cái tên Vườn Tao Đàn là khu bảo tồn văn hóa Việt Nam có quy mô lớn đầu tiên ở tiểu bang South Australia. Theo lời ông Jay Weatherill, Bộ trưởng Bộ Địa chính, công trình này đánh dấu sự ghi nhận của chính quyền địa phương về những đóng góp đầy ý nghĩa của cộng đồng người Việt trong quá trình xây dựng một Adelaide mang đầy dấu ấn "đa văn hóa".

       Thật bất ngờ khi được biết khu bảo tồn này ra đời dựa trên những thấm cảm sâu sắc về "đất nước 4.000 ngàn văn hiến" của hai nghệ sĩ người Úc Adrian Potter và Bridgette Minuzzo. Cách đây 4 năm, họ khởi động dự án bằng hàng loạt cuộc gặp gỡ nhằm trao đổi, tìm hiểu và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia Việt kiều nhằm khơi gợi cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật và ý tưởng kiến trúc phóng khoáng của Vườn Tao Đàn. Một không gian mát rượi màu xanh cây cỏ với những hình ảnh gợi nhớ quê hương như cây tre, nón lá... hay ao hồ yên ả được tạo ra nhằm thể hiện vai trò nổi bật của yếu tố "nước" trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, còn có sân chơi dành riêng cho các trò chơi dân gian - nơi mọi trẻ em có thể đến vui đùa thỏa thích. Mỗi trò chơi đều có gắn bảng hướng dẫn bằng hai thứ tiếng Việt - Anh. Xưa kia, Tao Đàn là nơi lui tới của thi nhân mặc khách. Ngày nay, con cháu của người Việt xa quê vẫn có thể hồi chiêm về vẻ đẹp tinh thần thanh cao của cha ông ngay cả khi sống ở trời Tây.
        Văn hóa được cho đi và nhận lại, văn hóa càng giàu thêm. Thử hỏi sau 31 năm tha hương ở đất khách, gia tài của người Việt ở mảnh đất này có gì? Các tiệm nail, salon thẩm mỹ, tiệm châm cứu, tiệm bán thuốc Nam, nhà hàng hay cửa hiệu tạp hóa trên đường Hanson, Rundle hay trong khu Arndale... liệu có đủ để đưa họ vào tầng lớp những người giàu có? Trên thực tế, may mắn chỉ mỉm cười với một số ít, còn lại đa phần họ sống ở mức "vừa đủ". Nhưng nếu xét nghĩa "giàu có" trên bình diện văn hóa, cộng đồng người Việt ở Adelaide hoàn toàn có thể tự hào. Nhiều năm qua, chi hội người Việt tại thành phố này đã áp dụng chương trình dạy miễn phí. Tại các trường học dành riêng học sinh gốc Việt như trường Vietnamese Community Ethnic School đều có các lớp văn học, lịch sử và địa lý Việt Nam thích hợp với từng độ tuổi, từ 4-17.
        Cô Kiều Hồ, 28 tuổi, chủ tiệm Internet trên đường Rundle Mall, nói rất muốn hai đứa con nhỏ của cô về thăm Việt Nam vào một ngày nào đó. Chồng chị Kiều, người Úc gốc Ý, luôn khuyến khích con mình tập nói tiếng mẹ đẻ đúng nghĩa. Điều tuyệt vời là con cái của họ sẽ cùng với những đứa trẻ ra đời từ các cuộc hôn nhân giữa người Việt và các sắc tộc khác ở Adelaide được tạo điều kiện để lớn lên với ý thức về dòng giống Tiên - Rồng trong huyết quản. Vậy đâu là chìa khóa của cái hòm "giữ của" của người Việt? Theo anh John Quách, từng có hơn 25 năm sống ở Adelaide tâm sự, đó là câu nói truyền miệng "Thương con, hãy dạy con biết làm người Việt Nam".
        Quỳnh Như